Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Hướng dẫn trồng nấm tại nhà

HƯỚNG DẪN TRỒNG NẤM TẠI NHÀ
Sau khi mua bịch phôi giống nấm về nhà, hãy đặt chúng vào các vị trí có ánh sáng yếu như gầm cầu thang, nhà tắm, những nơi ít có gió…Sau đó chỉ cần làm theo hướng dẫn sau:
1. Rạch và đặt bịch nấm
Rạch bịch: Bịch nấm đã phát triển tốt sau 20-25 ngày (kể từ lúc cấy giống). Sợi đã mọc trắng kín bịch, dùng dao nhọn, sắc rạch 3- 6 vết rạch xung quanh bịch. Rạch dài 3- 4cm; sâu 2-3mm, khoảng cách giữa các vết rạch khoảng 5-6cm và đều nhau. Nếu bịch đặt thùng xốp thì rạch cách cổ bịch 10cm sao cho lúc ra nấm có thể chui ra và phát triển bình thường không bị chèn ép. Chú ý không rạch sát cổ bịch bởi khi tưới nước sẽ vào trong bịch gây thối.
Hình1: Rạch bịch phôi
Treo dây: dùng 3 dây (loại dây nilong) buộc 3 dây với nhau tại điểm đầu. Điểm cuối được buộc lên xà sao cho đầu dây không chạm đất (cách 5cm). Đặt bịch đầu tiên úp xuống lên 3 dây sao cho khoảng cách 3 dây ôm bịch cân đối. Cắt 1 đoạn dây nilong dài 20cm buộc vào 3 dây ở điểm trên của bịch vừa treo, buộc càng gần bịch càng chắc không rơi rớt. Cứ như vậy cho đến bịch cuối cùng. Trung bình 1 dây có thể treo từ 4-7 bịch tùy theo chiều cao xà treo. Khoảng cách giữ các bịch hoặc dây treo từ 30-40cm để khi nấm mọc không chạm vào nhau.
 
Hình 2: Treo bịch phôi bằng dây
Đặt bịch trong thùng xốp: đây là phương pháp đơn giản nhưng khá hiệu quả. Dùng thùng xốp đựng hoa quả, đổ nước thùng khoảng 3-5cm nước có hòa thêm vôi bột càng tốt bởi nó sẽ hạn chế ruồi muỗi, kê gạch và đặt các bịch nấm lên gạch sao cho các bịch nấm không chạm nước. Có thể đặt bịch sát nhau tùy theo vị trí rạch bịch sao cho nấm ra không bị chèn ép. Việc sử dụng nước dưới đáy thùng xốp nhằm tận dụng lượng nước bốc hơi để tạo độ ẩm cho bịch nấm. Lưu ý là phải tiến hành thay nước trong thùng xốp sau 15 ngày tránh ô nhiễm nấm cũng như nước dâng lên cao chạm vào bịch nấm làm hư hỏng bịch.
Hình 3: Treo nấm trong thùng xốp
2. Chăm sóc
* Tưới nước: Sau khi rạch bịch chỉ tưới nước tạo ẩm nền, được 4- 6 ngày nấm bắt đầu có mầm quả thể ở vết rạch, lúc này tiến hành tưới nước lên bịch nấm. Tuỳ theo lượng nấm mọc nhiều hay ít, to hay nhỏ, độ ẩm không khí cao hay thấp để điều chỉnh số lần tưới và lượng nước tưới trong ngày. Về nguyên tắc tưới nước dưới dạng phun sương, lượng ít nhưng kéo dài thời gian tưới trong 1 lần, sao cho nhìn bề mặt mũ nấm lúc nào cũng có lớp nước như hạt sương đọng trên mũ nấm. Trong giai đoạn này cây nấm rất cần độ ẩm, nếu thiếu nước cây nấm mọc cằn cỗi, nhẹ cân và ăn rất dai. Ngược lại nếu tưới quá nhiều, nấm có màu vàng, thối rữa. Trung bình một ngày tưới 2- 3 lần. Sau khi thu hái hết một đợt, khoảng 3-5 ngày sau nấm lại ra tiếp đợt 2; 3; 4; 5.
* Thời gian lưu lượng tưới:
Nước để tưới phải là nước sạch, nước tốt nhất là giếng khoan, có thể dùng nước máy
- Thời gian: Sáng, trưa, chiều hoặc tối.
- Lượng nước tưới: nhẹ lên bịch sao cho ướt hết bịch. Nếu nấm đang ra sắp thu hoạch (2-3 tiếng) thì tưới nhẹ hoặc tránh tưới vào bịch đó tránh làm nấm bị thối nhũn.
* Lưu ý: nấm rất kỵ các vị trí đặt bịch sau: không đặt bịch ngoài trời thoáng gió, phải kín gió. Không đặt bịch dưới ánh nắng trực tiếp mặt trời. Không đặt bịch gần vị trí tạo sức nóng dễ gây mất độ ẩm làm khô nấm.

3. Thu hái và chế biến nấm
* Thu hái nấm: Nấm sò mọc tập trung thành cụm nên khi nấm đủ lớn cần hái cả cụm. Hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Tiêu chuẩn là rìa mũ nấm vẫn co vào trong sắp dàn phẳng, thịt nấm dầy, chắc, mập và non. Lúc này nấm chuẩn bị phát tán bào tử, là thời điểm hái nấm. Nếu nhìn thấy “làn khói trắng” bay ra từ cây nấm đó là các bào tử phát tán (biểu hiện nấm già). Hái nấm không được để sót phần “gốc” trên bịch nấm, nếu còn sót lại phải cấu sạch để nấm ra đợt tiếp theo tốt hơn.
Hình 4: Nấm bào ngư đã có thể thu hoạch được

2 nhận xét: